Những người Nhật hơn 80 tuổi vẫn đi làm
Bà Yoshiko Iida năm nay 85 tuổi. Bà bán kem chống nắng và các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp tại cửa hàng mỹ phẩm thuộc thương hiệu Pola ở ngoại ô Tokyo. Bà làm việc 6 ngày một tuần và quản lý đội nữ bán hàng có độ tuổi trên tuổi nghỉ hưu bình quân của Nhật Bản. “Tôi vẫn muốn làm việc miễn là còn thấy khỏe mạnh”, bà nói.
Ở một quốc gia có một phần tư dân số trên 65 tuổi, nhiều khách hàng của bà Iida cũng ở độ tuổi đó. Một trong số họ, bà Tomoko Inoue đã là khách hàng của Pola hay nói cách khác, là của bà Iida trong 35 năm qua. Bà Inoue thường gọi bà Iida là "nguồn năng lượng" của mình.
Câu chuyện của bà Iida là một ví dụ về những người già vẫn chưa muốn nghỉ hưu ở Nhật. Chính phủ nước này cũng đang quan ngại về ngân sách hỗ trợ người già nên khuyến khích các công ty giữ lại họ trong lực lượng lao động. Nhiều công ty Nhật đang thực hiện một lộ trình hai giai đoạn cho lao động nghỉ hưu. Cụ thể, lao động phải nghỉ việc chính thức ở tuổi 60. Sau đó, họ có thể được ký hợp đồng làm thêm 10 năm nữa, với mức lương thấp hơn, rồi phải nghỉ việc hoàn toàn ở tuổi 70.
Các công ty thường cho rằng họ phải tốn kém quá cao vì lực lượng lao động già. Tuy nhiên, cũng có một số nhận ra lợi ích. Đối với một đơn vị mảng bán lẻ như Pola, những nhân viên cao tuổi với mối quan hệ rộng lớn và sâu sắc, được xây dựng qua hàng chục năm đến hơn nửa thế kỷ, là một tài sản quý giá. Còn nhân viên bán hàng nào tốt hơn những người này để bán mỹ phẩm cho nhóm khách hàng cao tuổi?
“Họ đã làm việc trong thời gian rất dài và mối quan hệ của họ với khách hàng rất mạnh mẽ. Nó là một sự kết nối bền chặt và lòng tin cao độ”, bà Miki Oikawa, phụ trách mảng kinh doanh sản phẩm làm đẹp của Pola, nhận xét.
Daiwa Securities Group từng giới hạn độ tuổi nhân viên kinh doanh là 70. Tuy nhiên, gần đây công ty đã bỏ hẳn giới hạn. “Điều này sẽ giúp chúng tôi có thêm nhiều chuyên gia tư vấn ở độ tuổi từ 60 đến 80, tương đương với nhóm khách hàng có khả năng tài chính lớn nhất”, ông Seiji Nakata – Giám đốc môi giới của công ty này cho biết.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), khoảng 23% người Nhật từ 65 trở lên vẫn còn đi làm vào năm 2016. Đây là mức cao nhất trong nhóm G7, trên cả Mỹ là 19%. Tuy nhiên, nhiều người trong số nhóm lao động lớn tuổi có thu nhập chỉ bằng mức lương tối thiểu của nhân viên cửa hàng tiện lợi.
“Nhiều công ty kết luận rằng những người lớn tuổi có khả năng mắc nhiều lỗi và thiếu những khả năng của lao động trẻ”, Nobuhiro Maeda, nhà phân tích thuộc Viện nghiên cứu Nippon Life Insurance cho biết.
Một số doanh nghiệp Nhật Bản dè dặt trong việc nâng độ tuổi nghỉ hưu vì lo ngại tốn chi phí lương bổng cho nhóm lao động cấp cao. Liên đoàn doanh nghiệp Nhật Bản cũng cho rằng, giữ lại lao động lớn tuổi lâu hơn cũng làm nản lòng các lao động trẻ trước cơ hội thăng tiến.